Các diễn biến chính của chiến dịch Chiến_dịch_Mãn_Châu_(1945)

Bản đồ chiến dịch Mãn Châu.

Liên Xô tuyên chiến và phản ứng của Nhật Bản

Hai ngày sau khi quả bom nguyên tử đầu tiên được ném xuống Hiroshima, Bộ trưởng Ngoại giao Liên Xô trao cho Đại sứ Nhật Bản tại Moskva bản tuyên bố đơn phương chấm dứt hiệu lực của Hiệp ước Trung lập Xô-Nhật và nêu rõ rằng, từ 0 giờ ngày 9 tháng 8, Liên Xô tự đặt mình vào tình trạng có chiến tranh với Nhật Bản. Đúng 0 giờ ngày 9 tháng 8 (giờ Viễn Đông), hoạt động quân sự đầu tiên bắt đầu với 76 máy bay ném bom IL-4 của Phương diện quân Viễn Đông 1 thâm nhập không phận Mãn Châu oanh kích các mục tiêu quân sự - hậu cần tại Cáp Nhĩ Tân và Trường Xuân. Trong cùng khoảng thời gian, máy bay của Hạm đội Thái Bình Dương cũng ném bom các cảng ở miền Bắc Triều Tiên[12].

Thông tin chiến sự đến Đại bản doanh Quân đội Đế quốc Nhật Bản vào lúc 5:30 (giờ Tokyo). Đối với các tướng lĩnh Nhật Bản, đây là một cơn choáng hơn cả quả bom thả xuống Hiroshima ngày 6 tháng 8[63] và không có một ứng xử có chuẩn bị. Vì thế, một mặt Đại bản doanh ban hành Quân lệnh số 1734 hướng dẫn Đạo quân Quan Đông thực hiện các biện pháp đối phó, nhưng mặt khác từ chối đề nghị tuyên chiến với Liên Xô của Đạo quân Quan Đông[63].

Trong lúc đó, trên mặt trận, các mũi tấn công của Quân đội Liên Xô đang tiến triển nhanh chóng.

Hướng Tây Mãn Châu

Ðặc điểm của mặt trận hướng Tây Mãn Châu là chính diện dài tới 2.300 km, nên các cánh quân của Phương diện quân Zabaikal tiến quân cách nhau khá xa và tác chiến tương đối độc lập. Mỗi cánh quân đều tổ chức một thê đội tiên phong đi trước. Mười phút sau khi ngày 9 tháng 8 năm 1945 bắt đầu, các thê đội tiên phong bắt đầu hành quân và đến 4:30g, tất cả các đơn vị chính bắt đầu vượt biên giới[64]. Trên suốt mặt trận, các mũi tiến quân không có kháng cự nào đáng kể ngoại trừ chính diện của Tập đoàn quân 36, hướng mà Tập đoàn quân bị cầm chân cho đến ngày 18 tháng 8, lúc Đạo quân Quan Đông đầu hàng.

Tấn công các cụm đề kháng Tây Bắc

Ở phía cực Bắc của mặt trận, Tập đoàn quân 36 vượt sông Argun trong hành tiến rồi chia làm hai cánh vu hồi vào cụm đề kháng Hải Lạp Nhĩ[Ct 9] cách biên giới khoảng 60 km do Sư đoàn 119 và Lữ đoàn Hỗn hợp độc lập 80 bảo vệ. Ngay sau khi vượt sông, thê đội tiên phong của Tập đoàn quân do Lữ đoàn Xe tăng 205 dẫn đầu chạy đua về Hải Lạp Nhĩ, chiếm cầu vượt sông, cắt đường rút của các đơn vị Nhật giữ biên giới và tấn công tấn công thành phố trước khi trời tối[65]. Ngày hôm sau, Lữ đoàn Xe tăng 205 bị cầm chân trong thành phố, không ngăn được Sư đoàn 119 Nhật Bản rút về giữ đường đèo qua Đại Hưng An. Do các đơn vị Nhật Bản kháng cự kiên cường tại các cụm đề kháng từ Hải Lạp Nhĩ qua Ô Nô Nhĩ đến Bác Khắc Đồ, nên Tập đoàn quân 36 phải từng bước cô lập từng cụm, kết hợp pháo binh công phá từng cứ điểm một cho đến tận ngày 17 tháng 8. Lúc này, tiền đội của Tập đoàn quân hạ được Bác Khắc Đồ, tiến chiếm Trát Lan Đồn[Ct 10], cắt đường rút khiến Sư đoàn 119 Nhật phải ra hàng. Ngày 19 tháng 8, Tập đoàn quân hành tiến về Tề Tề Cáp Nhĩ tiếp nhận đầu hàng[66].

Giáp Tập đoàn quân 36 về phía Nam là mũi tấn công của Tập đoàn quân 39 nhắm vào cụm đề kháng Halung - A Nhĩ Sơn[Ct 11]. Sau khi đè bẹp các đơn vị nhỏ giữ biên giới của Nhật Bản và Mãn Châu Quốc, Tập đoàn quân giữ 1 sư đoàn kiềm chế cụm đề kháng, lực lượng còn lại chia 2 cánh: cánh phải gồm Quân đoàn Cận vệ 5 và Quân đoàn 113 theo sau Sư đoàn Xe tăng 61 vòng tránh cụm A Nhĩ Sơn ở phía Nam, cánh trái của Quân đoàn 94 vòng phía Bắc phối hợp với Tập đoàn quân 36 tấn công Hải Lạp Nhĩ[67]. Ngày 11 tháng 8, do Tập đoàn quân 36 đã bao vây thành công Hải Lạp Nhĩ, nên Quân đoàn 94 để lại thêm một sư đoàn hợp sức thanh toán cụm Halung - A Nhĩ Sơn, phần còn lại tiếp nhận đầu hàng 1.000 quân thuộc Quân khu số 10 Mãn Châu Quốc rồi vượt dãy Đại Hưng An ở đoạn giữa Ngũ Xoá Khẩu - Ô Nô Nhĩ[68]. Chiều ngày 12 tháng 8, cánh phải của Tập đoàn quân 39 mới có cuộc chạm súng lớn đầu tiên khi một phần Sư đoàn 107 Nhật rút từ Ngũ Xoá Khẩu về Sách Luân đi ngay vào đường tiến của Quân đoàn 5[69]. Đánh tan lực lượng này, Quân đoàn 5 chiếm Sách Luân vào hôm sau và tiến quân dọc tuyến đường sắt[70]. Trong thời gian đó, Sư đoàn Xe tăng 61 ở phía trước đã kịp chiếm giữ Vương Gia Miếu[Ct 12] và đẩy lùi các cuộc phản công của Sư đoàn 107 Nhật Bản. Đến ngày 17 tháng 8, các cứ điểm cuối cùng của cụm Halung - A Nhĩ Sơn đã bị xoá, các đơn vị Nhật Bản dọc tuyến Ngũ Xoá Khẩu - Sách Luân đã bị dẹp xong, cả hai cánh quân của Tập đoàn quân 39 tập kết ở Vương Gia Miếu rồi hành tiến về Trường Xuân. Lúc này, Đạo quân Quan Đông đã đầu hàng nên Tập đoàn quân đi tàu về tiếp quản bán đảo Liêu Đông[71].

Mũi chủ công qua dãy Đại Hưng An

Trên chính diện hướng Tây, mũi chủ công do Tập đoàn quân Xe tăng Cận vệ 6 đi trước, Tập đoàn quân 53 theo sau, xuất phát từ phía Nam mỏm lồi Tamsak Bulak và đến chân sườn Tây của dãy Đại Hưng An trước khi trời tối. Ngày 10 tháng 8, vừa đi vừa mở đường thì đến hôm sau Tập đoàn quân Xe tăng Cận vệ 6 chuyển quân thành công qua đèo Khorokhon cao tới 1.900m. Do vị trí vượt này là không tưởng đối với quân Nhật, nên ngoài các điểm chốt mỏng yếu ở Khai Lỗ và Lỗ Bắc thì không có gì khác để trì hoãn bước tiến của Tập đoàn quân Xe tăng Cận vệ 6[72].

Vượt đèo thành công, ngay trong ngày 12 tháng 8, Quân đoàn Xe tăng Cận vệ 5 chiếm Lỗ Bắc[Ct 13], Quân đoàn Cơ giới hoá Cận vệ 7 chiếm Đột Tuyền[Ct 14]. Tuy nhiên, các quân đoàn đến đây thì thiếu nhiên liệu trầm trọng, chỉ đủ dồn lại cho các xe tăng trong thê đội tiên phong tiến quân[73]. Để khắc phục vấn đề, Tư lệnh Phương diện quân Zabaikal đã điều động 400 chiếc máy bay vận tải tiếp liệu[Ct 15], mặc dù vậy Tập đoàn quân Xe tăng Cận vệ 6 cũng mất 2 ngày 12 và 13 tháng 8[76]. Khởi động lại cuộc hành quân vào sáng ngày 14, thì đến chiều thê đội tiên phong của Quân đoàn Cơ giới hoá Cận vệ 7 chiếm được Thao Nam, thê đội tiên phong của Quân đoàn Cơ giới hoá 9 chiếm Thông Liêu.

Hai ngày trước đó, nhận thấy bước tiến thần tốc của Tập đoàn quân Xe tăng Cận vệ 6 đã thực tế đánh sụp hướng phòng ngự Tây Mãn Châu[77], nên Tư lệnh Phương diện quân Tây Mãn Châu Jun Ushiroku quyết định rút quân từ Thông Liêu - Thao Nam về Thẩm Dương - Trường Xuân để bảo vệ gia đình binh sĩ ở hai nơi này[73]. Quyết định này trái với phương án co cụm dần về khu vực gần Thông Hoá mà Tổng Tư lệnh Yamada Otozō đã chỉ đạo trước đó, gây rối loạn cho chỉ huy các cấp bên dưới[78]. Về phía Phương diện quân Zabaikal, nhận thấy tình hình thuận lợi hơn dự kiến, vào ngày 15 tháng 8, Nguyên soái Malinovsky chỉ thị đẩy nhanh tốc độ hành quân, yêu cầu các đơn vị tiến chiếm các mục tiêu chính trước ngày 23 tháng 8[79].

Bám theo Tập đoàn quân Xe tăng Cận vệ 6, Tập đoàn quân 53 tiếp quản vị trí và bao vây các cụm quân Nhật bị cô lập tại Khai Thông và Thao Nam vào ngày 17 tháng 8, sau đó tách hướng hành tiến về phía Nam chiếm Khai Lỗ. Không gặp chống cự đáng kể, Tập đoàn quân 53 lần lượt tiến chiếm tiếp Triều Dương, Phụ Tân và đến cuối chiến dịch thì tiếp quản Cẩm Châu bên bờ biển Bột Hải[80].

Ngày 15 tháng 8, Tập đoàn quân Xe tăng Cận vệ 6 chia làm 2 cánh lao về Trường Xuân và Thẩm Dương. Đến ngày 21 tháng 8, hai ngày sau khi các phân đội đổ bộ đường không của Bộ Tư lệnh Quân đội Liên Xô tại Viễn Đông nhảy dù xuống tiếp quản đầu hàng, thì các quân đoàn của Tập đoàn quân tới cả hai nơi. Ngày hôm sau, các quân đoàn di chuyển về Liêu Đông bằng tàu hoả[81].

Hướng tiến quân của các mũi Tây Nam

Giáp phía Nam của mũi chủ công, Tập đoàn quân 17 hành quân qua Nội Mông không gặp kháng cự. Trên hướng này chỉ có Sư đoàn 108 bộ binh Nhật đóng ở Nhiệt Hà chia vài đơn vị nhỏ giữ Lâm TâyXích Phong. Vì thế, vượt qua cái khát của thời tiết khô nóng và địa hình sa mạc, Tập đoàn quân 17 dễ dàng chiếm Lâm Tây vào ngày 13 tháng 8, Đại Bản Sơn[Ct 16] vào 14 tháng 8, Xích Phong vào ngày 17 tháng 8. Ngày 18 tháng 8, Tập đoàn quân tiếp tục di chuyển về hướng Nam và đến ngày 23 tháng 8 thì tiến đến Sơn Hải Quan đối diện với bán đảo Liêu Đông[80].

Làm nhiệm vụ hộ sườn cho mũi chủ công, Cụm Kỵ binh - Cơ giới hoá Liên Xô - Mông Cổ chia thành 2 mũi hành tiến cách nhau 200 km, một mũi hướng về Đa Luân Náo Nhĩ[Ct 17], một mũi về Trương Gia Khẩu[82]. Cả hai mũi tiến quân đều không gặp cản trở nào đáng kể ngoài nắng nóng sa mạc và vài phân đội kỵ binh bản địa[82]. Đến ngày 14, mũi trái của cụm đã quét gọn một toán kỵ binh Mãn Châu Quốc và vượt dãy Đại Hưng An vào địa phận Đa Luân và chiếm Đa Luân Náo Nhĩ trong ngày[74]. Mũi phải của cụm qua ngày 15 tháng 8 mới có cuộc chạm súng đáng kể đầu tiên với các sư đoàn kỵ binh Mông Cương số 3, 5, 7 ở Khang Bảo. Sau hai ngày kịch chiến, tướng Pliev tập trung quân đè bẹp quân Mông Cương, bắt 1.635 tù binh[79]. Ngày 18 tháng 8, Cụm Kỵ binh - Cơ giới hoá Liên Xô-Mông Cổ tiến đến Trương Gia Khẩu: cuộc tấn công ở đây qua ngày 21 tháng 8 mới chấm dứt. Hôm sau, các đơn vị kỵ binh-cơ giới hoá Liên Xô-Mông Cổ long trọng vượt Vạn Lý Trường Thành, hội quân với Bát Lộ Quân của Đảng Cộng sản Trung Quốc cùng tiến về Bắc Kinh[79].

Hướng Đông Mãn Châu

Bản đồ chiến dịch của Phương diện quân Viễn Ðông 1.

So với hướng Tây Mãn Châu, chính diện Đông Mãn Châu tương đối ngắn nên mật độ phòng ngự rất cao. Các cụm đề kháng biên giới tuy không liên tục nhưng đủ che hết các trục tiến quân quan trọng. Phương án phòng ngự mới của Tư lệnh Đạo quân Quan Đông ở hướng này cũng triển khai tốt hơn khi mỗi cụm chỉ để khoảng 1 tiểu đoàn hay trung đoàn chốt giữ, còn các sư đoàn chủ lực lùi sau biên giới khoảng 60–80 km[83]. Do đó, nhiệm vụ của Phương diện quân Viễn Đông 1 là phải cô lập và tiêu diệt các cụm đề kháng, nhanh chóng thọc sâu tấn công và truy kích tích cực để chủ lực đối phương không kịp vững chân ở các vị trí trung gian[83].

Đặc điểm tác chiến của Phương diện quân cũng khác: chính diện hẹp đòi hỏi các Tập đoàn quân trực thuộc phải có sự phối hợp chặt chẽ. Vì thế, Tập đoàn quân 1 Cờ Đỏ và Tập đoàn quân 25 có nhiệm vụ che sườn cho Tập đoàn quân 5 đóng vai trò chủ công trên chính diện Tuy Phân Hà, nơi có 3 cụm đề kháng mạnh án ngữ tuyến đường sắt Vladivostok - Mẫu Đơn Giang[84]. Trong khi đó, Tập đoàn quân 35 nhận nhiệm vụ tấn công qua 2 cụm đề kháng Hổ Đầu và Mật Sơn, còn Quân đoàn Cơ giới hoá 10 chờ nhập cuộc khai thác chiến quả của các Tập đoàn quân hợp thành.

Tấn công các khu vực phòng ngự biên giới

Các đội công kiên của Phương diện quân Viễn Đông 1 vượt biên giới lúc 1 giờ ngày 9 tháng 8 giữa lúc mưa to gió lớn - một cách lặng lẽ, ngoại trừ ở khu vực Hổ Đầu, vì thế đã tạo được yếu tố bất ngờ trong hành động.

Ở cánh Nam của Tập đoàn quân 35, các phân đội tiền phương vượt sông Tùng A Sát (Sungacha) tiêu diệt các tiền đồn Nhật Bản trong đêm, giữ đầu cầu cho Sư đoàn 363 và 66 vượt sông vào buổi sáng. Lầy lội khiến xe tăng không đi theo được[85], nhưng đến trưa ngày 12 tháng 8, Sư đoàn 363 có hỗ trợ của cánh phải của TÐQ Cờ Ðỏ 1 đã chiếm Mật Sơn, còn Sư đoàn 66 chiếm Đông An, cắt đường rút của cụm đề kháng Hổ Đầu[85]. Ở cánh Bắc, trong khi pháo binh và Không quân bắn phá cụm đề kháng Hổ Đầu thì các đội công kiên âm thầm vượt sông Ô Tô Lý ở phía Nam, chiếm đầu cầu cho Sư đoàn 264 qua sông. Trước tối, thị trấn bị bọc sườn và bị chiếm hôm sau, còn quân Nhật phải lùi về cố thủ trong cụm đề kháng[86]. Để 1 trung đoàn ở lại cùng một biên khu[Ct 18] kết hợp không quân và pháo lớn công phá cụm đề kháng, Sư đoàn 264 tiến chiếm Hổ Lâm vào ngày 12 tháng Tám[86]. Ngày 13 tháng 9, cả hai cánh hội quân ở Đông An và chia thành 2 mũi hành tiến: một mũi tới Bột Lợi ngăn chặn không cho Sư đoàn 135 Nhật Bản đứng chân phòng ngự, một mũi tới Lâm Khẩu tiếp quản vị trí của Tập đoàn quân Cờ Đỏ 1[85].

Chính diện của Tập đoàn quân Cờ Đỏ 1 chỉ do các đơn vị nhỏ Nhật Bản chốt giữ, nhưng khó khăn là địa hình rừng rậm và đất sũng nước. Vừa tấn công vừa làm đường, trưa hôm sau thì các quân đoàn qua hết rừng rậm, các lữ đoàn xe tăng được đưa lên trước làm thê đội tiên phong và bắt đầu tăng tốc về phía Tây. Tối hôm đó, sau khi đẩy lui cuộc phản kích của một trung đoàn Nhật Bản, Lữ đoàn Xe tăng 257 và bộ binh của Quân đoàn 26 chiếm một phần thành phố Bát Diện Thông và cầu vượt sông Mục Lăng[87]. Trong lúc đó, Lữ đoàn Xe tăng 75 cùng một sư đoàn của Quân đoàn 59 cũng chiếm được cầu vượt sông ở Lê Thụ Trấn. Ngày 11 tháng 8, Quân đoàn 26 chiếm Bát Diện Thông và đưa Lữ đoàn Xe tăng 257 đột kích về Hoa Lâm, còn Quân đoàn 59 chiếm Lê Thụ Trấn và đưa Lữ đoàn Xe tăng 75 truy kích về phía Lâm Khẩu[87].

Trên chính diện của Tập đoàn quân 5, các đội công kiên chiếm được các cứ điểm giáp biên giữa các cụm đề kháng trong đêm, đến 8:30 sáng thì các trung đoàn bắt đầu thâm nhập[83]. Đến 15:00g, tiền đội của 3 Quân đoàn 72, 65, 17 khoét sâu các khoảng hở, cô lập xong 3 cụm đề kháng ở Tuy Phân Hà. Để lại việc thanh toán các cụm cho thê đội 2, các đơn vị tấn công tiếp về Tuy Dương[88], xé được một lỗ hổng sâu đến 10 km, có nơi đến 22 km vào cuối ngày[89]. Hôm sau, Quân đoàn 65 tấn công tiếp về nhà ga Mã Kiều Hà, Quân đoàn 72 tiến về Hạ Thành Tử, đẩy Sư đoàn 124 Nhật Bản về phía Tây sông Mục Lăng, còn Quân đoàn 17 đánh vòng sau lưng cụm đề kháng Lộc Minh Ðài[Ct 19] về phía Nam, nhập hướng tấn công của Tập đoàn quân 25 và được cắt chuyển cho Tập đoàn quân 25 vào buổi tối[90].

Ở bên trái của TĐ5, cả hai cánh của Tập đoàn quân 25 đều tiến triển thuận lợi. Ở cánh Bắc, các đội công kiên của Quân đoàn 39 cũng chiếm được đai ngoài của cụm đề kháng Đông Ninh làm hành lang cho chủ lực quân đoàn tiến công về phía Tây khi trời sáng. Trước tối, Quân đoàn 39 tiến được từ 10 đến 12 km, chiếm được tuyến đường sắt đi Đồ Môn. Hôm sau, được chi viện của Quân đoàn 17 đánh xuống từ phía Bắc, Quân đoàn 39 cô lập xong cụm đề kháng Đông Ninh. Để lại việc tấn công cụm cho thê đội 2, tiền đội do Lữ đoàn Xe tăng 259 dẫn đầu tiến vào thị xã[91], buộc Lữ đoàn Hỗn hợp 132 Nhật Bản phải bỏ các tiểu đoàn tiền phương ở lại, chạy về phía Tây. Ngày 11 tháng 8, Quân đoàn 17 và 39 bắt đầu hành tiến dọc tuyến đường sắt Đông Ninh - Đồ Môn về Lão Hắc Sơn[91].

Ở mũi cực Nam của Tập đoàn quân 25, ngay trong ngày đầu, lực lượng của các Biên khu 108 và 113 đã chiếm được các vị trí của quân Nhật Bản bên sông Đồ Môn, lập được chỗ đứng chân ở đai ngoài của các cụm đề kháng Hồn Xuân và Ngũ Gia Tử. Ngày 11 tháng 8, Quân đoàn 88 dự bị của Phương diện quân Viễn Đông 1 được tung vào hướng Hồn Xuân - Đồ Môn, còn Sư đoàn 393 tham chiến cùng Biên khu 113 tấn công theo hướng bờ biển Đông Bắc Triều Tiên[92].

Cuộc tấn công các khu vực phòng ngự biên giới hoàn thành chỉ sau 3 ngày. Ngày 10 tháng 8, nhận thấy chính diện của TÐQ 25 thuận lợi hơn cả, nên Nguyên soái Meretskov quyết định đưa lực lượng cơ động chiến dịch tham chiến ở đây[91]. Vì thế, Tập đoàn quân 5 và Cờ Đỏ 1 tấn công Mẫu Ðơn Giang mà không có Quân đoàn Cơ giới hoá 10 hỗ trợ như dự tính ban đầu.

Cuộc tấn công Mẫu Đơn Giang

Bài chi tiết: Trận Mẫu Ðơn Giang

Ngày 11 tháng 8 (ngày N+2), thê đội tiên phong của Quân đoàn 65 và 72 đã tới bờ sông Mục Lăng, đạt được mục tiêu của ngày N+8[93]. Ấn tượng với bước tiến của Tập đoàn quân 5, Nguyên soái K. A. Mereskov hạ lệnh tăng tốc, không để Sư đoàn 124 Nhật Bản vững chân ở bờ Tây sông Mục Lăng[94]. Chiều 11 tháng 8, Tập đoàn quân 5 lập một thê đội tiên phong xung quanh Lữ đoàn Xe tăng 76 để tiến quân ngay trong đêm. Sáng 12 tháng 8, thê đội bị phản kích trước Đại Mã Câu và thiệt hại nặng. Đến trưa hôm đó, được tăng viện bởi các Sư đoàn 144 và 97, thê đội khởi động tấn công sau 30 phút pháo kích, mở được một hành lang tiến quân rộng 4 km và tiếp cận Mẫu Đơn Giang trên chính diện 12–13 km vào tối hôm sau[94].

Ở cánh phải của Tập đoàn quân 5, Quân đoàn 26 của Tập đoàn quân Cờ Đỏ 1 triển khai đột phá tuyến đứng chân của Sư đoàn 126 Nhật Bản ngay khi chiếm xong Bát Diện Thông. Không chờ lực lượng chính, thê đội tiên phong do Lữ đoàn Xe tăng 257 dẫn đầu đột kích qua vị trí phòng thủ của Sư đoàn 126 Nhật Bản ở phía Tây Tứ Tinh Đồn[95]. Để lại cửa mở cho bộ binh, lữ đoàn thọc sâu cắt tuyến đường sắt Lâm Khẩu - Mẫu Đơn Giang ở thôn Tiên Đổng phía Bắc Hoa Lâm[Ct 20] vào chiều 12 tháng 8. Mặc dù Lữ đoàn Xe tăng 257 lúc này chỉ còn 19 chiếc xe tăng chiến đấu được[95][Ct 21], nhưng vẫn lao về Hoa Lâm. Nỗ lực chiếm cầu qua sông Mẫu Đơn bất thành vì cầu bị giật sập ngay khi lữ đoàn vừa tới. Suốt hôm sau, lữ đoàn bị một tiểu đoàn của Sư đoàn 135 Nhật Bản ngăn cản, không cách nào vượt sông được. Đến tối, lữ đoàn bị bao vây, phải mở đường rút ra khu đồi phía Bắc Hoa Lâm, đào công sự ẩn nấp chờ cứu viện. Ngay trong đêm đó, Quân đoàn 26 khẩn cấp tiến quân từ Bát Diện Thông và Tứ Tinh Đồn về Hoa Lâm tiếp ứng[96].

Với những hành động nhanh chóng, trong ngày 13 tháng 8, Tập đoàn quân 5 và Cờ Đỏ 1 đã tiếp cận thành phố từ 2 mặt Đông và Đông Bắc[97], cô lập Sư đoàn 124 Nhật Bản trên tuyến bờ Tây sông Mục Lăng[98] và buộc Sư đoàn 126 và 135 Nhật Bản lùi về đai phòng thủ ngoại ô[99]. Trận đánh giành Mẫu Đơn Giang bắt đầu từ sáng ngày 14 tháng 8. Sư đoàn 22 và 300 của Tập đoàn quân Cờ Đỏ 1 có Lữ đoàn Xe tăng 77 và 257 hỗ trợ chia 2 mũi tấn công dọc 2 bờ sông Mẫu Đơn từ phía Bắc, còn các đơn vị của Tập đoàn quân 5 tấn công hỗ trợ từ phía Đông Nam. Sau 2 ngày kịch chiến với cao trào dùng cảm tử quân chống xe tăng, hai Sư đoàn 126 và 135 Nhật Bản bị đánh bật về Hoàng Đạo Hà. Một trung đoàn của Sư đoàn 126 bị cô lập không nhận được lệnh rút đã đốt cờ đồng lòng xung phong tử chiến, Trung đoàn trưởng mổ bụng tự sát giữa chiến trường[100]. Chiều 16 tháng 8, thành phố đã thuộc về các đơn vị của Tập đoàn quân Cờ Đỏ 1[97].

Hoàn thành mục tiêu Mẫu Đơn Giang, Tập đoàn quân Cờ Đỏ 1 tiến tiếp về Cáp Nhĩ Tân. Đến nơi vào ngày 20 tháng 8, Tập đoàn quân Cờ Đỏ 1 hội quân với Tập đoàn quân 15 của Phương diện quân Viễn Đông 2 và phân đội nhảy dù cùng tiếp quản thành phố. Trong khi đó, Tập đoàn quân 5 tiến qua Ninh An đến Đông Tỉnh hội quân với Tập đoàn quân 17 từ Uông Thanh tiến ra. Sau đó 2 Tập đoàn quân hành tiến tiếp về Cát Lâm nhận nhiệm vụ tiếp quản đầu hàng[97].

Cuộc tấn công Uông Thanh - Đồ Môn

Ðược đưa vào tham chiến ở chính diện của TÐQ 25, Quân đoàn Cơ giới hoá 10 cùng Quân đoàn 39 và 17 chia nhau một con đường độc đạo hành quân qua Lão Hắc Sơn tới Ðại Toạ Sơn trong 2 ngày 13 và 14 tháng 8. Từ Ðại Toạ Sơn, Quân đoàn 17 lấy Lữ đoàn Cơ giới hoá 72 của Quân đoàn Cơ giới hoá 10 làm thê đội tiên phong tiến qua La Tử Câu về phía Tây, còn Quân đoàn 39 và phần lớn lực lượng Quân đoàn Cơ giới hoá 10 tiến đến Uông Thanh.[101]

Ngày 15 tháng 8, mũi tiến quân của Quân đoàn 17 chạm súng với sư đoàn 128 Nhật Bản tại La Tử Câu. Trong khi 1 sư đoàn của Quân đoàn 17 đang đánh vỗ mặt, 1 sư đoàn vận động bao vây thì Lữ đoàn Cơ giới hoá 72 vòng về phía đèo Thái Bình Lĩnh[Ct 22]. Chiến sự tiếp diễn suốt hôm sau, khi Lữ đoàn Cơ giới hoá 72 được Sư đoàn 187 hỗ trợ đánh thiệt hại nặng một trung đoàn của Sư đoàn 128 Nhật Bản và chiếm được đèo[101]. Phát triển tiếp về phía Tây, lữ đoàn chiếm Ðại Hưng Khẩu - nút giao thông quan trọng ở phía Bắc Uông Thanh.[102]

Trong cùng thời gian, thê đội tiên phong của Quân đoàn 39 và Quân đoàn Cơ giới hoá 10 gặp Lữ đoàn Cơ động 1 Nhật Bản ở đèo Thập Lý Bình.[Ct 23] Sau một cuộc chạm súng ngắn và ác liệt, quân Nhật bị đẩy lùi, Lữ đoàn Xe tăng 259 thông đường tiến chiếm Uông Thanh vào buổi chiều.[101] Ngày hôm sau, khi chủ lực Quân đoàn 39 tới Uông Thanh, thì Lữ đoàn Xe tăng 259 chuyển hướng sang Đồ Môn, còn Lữ đoàn Xe tăng 72 của Quân đoàn Cơ giới hoá 10 tấn công về Diên Cát.[101] Trong lúc đó, trên hướng Hồn Xuân, Quân đoàn 88 được đưa vào tăng viện đã phát triển tấn công lên phía Bắc Hồn Xuân. Mặc dù được Lữ đoàn Xe tăng 209 hỗ trợ,[Ct 24] nhưng Quân đoàn 88 vấp phải sự kháng cự mạnh của Sư đoàn 112 Nhật Bản ở bên sông Huy Xuân, nên linh động đưa thê đội 2 vượt sông Ðồ Môn vào lãnh thổ Triều Tiên, tấn công sườn phải của quân Nhật Bản.[102]

Chiều ngày 17 tháng 8, Lữ đoàn Xe tăng 72 đã tới Bắc Diên Cát, Lữ đoàn Xe tăng 259 đã chiếm được Ðồ Môn, còn Quân đoàn 88 đã chiếm được Ongsan phía Nam Ðồ Môn. Ba mũi phối hợp đã khép vòng vây quanh 2 Sư đoàn 112 và 79 Nhật Bản giữ tuyến Ðồ Môn - Diên Cát và bức hàng các đơn vị này vào hôm sau[102].

Trong lúc Ðạo quân Quan Ðông đang cầu hàng, thì TÐQ 25 giữ Quân đoàn 39 và 88 lại truy quét quân Nhật ở khu vực Ðồ Môn - Diên Cát, đưa Quân đoàn Cơ giới hoá 10 tăng tốc hành quân về phía Tây. Ngày 19 tháng 8, Quân đoàn 17 đã gặp Tập đoàn quân 5 tại Đông Tỉnh ở Tây Bắc Uông Thanh, còn Quân đoàn Cơ giới hoá 10 đã kịp tới Đôn Hoá. Lúc này, lệnh đầu hàng của Tư lệnh Đạo quân Quan Đông bắt đầu có hiệu lực, các đơn vị đều thành lập các đội cơ động nhanh chóng tiến vào các thành phố lớn để tiếp quản đầu hàng[102].

Mũi tấn công qua Bắc Triều Tiên

Trên hướng Bắc Triều Tiên, mũi tấn công trên đất liền của cánh trái Tập đoàn quân 25, bao gồm Sư đoàn 393 và Biên khu 113, có sự hỗ trợ của Hạm đội Thái Bình Dương đổ bộ từ phía biển, từ Khasan lần lượt tiến đến Unggi, Najin, Ch'öngjin, Hamnhüng và Wonsan thuộc tỉnh Hüngnam.

Đêm 9 rạng ngày 9 tháng 8, máy bay và khu trục hạm của Hạm Đội Thái Bình Dương Liên Xô đã tấn công tàu chiến Nhật, các tuyến phòng thủ ven bờ và các công trình quan trọng khác tại các cảng Triều Tiên[103], mở đầu cho cuộc đổ bộ của Thuỷ quân lên Unggi 2 ngày sau đó. Ngày 12 tháng 8, Sư đoàn 393 (Tập đoàn quân 25) vượt biên giới tại khu vực Khasan, hành tiến bằng xe tải bao vây các đơn vị tiền tiêu của Tập đoàn quân 5 (Phương diện quân 17 Nhật Bản) tại Sönbong (Tây Bắc Triều Tiên) rồi tiến tiếp về Unggi hỗ trợ Thuỷ quân chiếm thành phố, sau đó tiếp tục hành tiến về Nanjin. Chiều 14 tháng 8, chiếm xong cảng Najin, Sư đoàn 393 để lại một tiểu đoàn canh giữ rồi hành quân tiếp về Ch'öngjin.[92]

Sáng ngày 13 tháng 8, sau khi oanh kích cảng Ch'öngjin bằng không quân và hải pháo, một tiểu đoàn của Sư đoàn 355 được tàu chiến của Hạm đội Thái Bình Dương đổ bộ chiếm đầu cầu nhưng bị phản kích dữ dội. Đến 3 giờ chiều hôm sau, Sư đoàn 355 đổ bộ xong nhưng chỉ mở rộng được bàn đạp mà không chiếm thành phố được. Sáng ngày 16 tháng 8, thê đội tiên phong của Sư đoàn 393 chiếm được đèo phía Bắc Ch'öngjin,[92] thông đường để hai cánh trong ngoài hợp sức tấn công, buộc quân Nhật phòng thủ phải rút về Hamnhüng. Chiều ngày 16 tháng 8, Ch'öngjin bị chiếm, trục liên lạc giữa Phương diện quân 17 và Phương diện quân Đông Mãn Châu Nhật Bản bị cắt đứt.[104]

Từ ngày 19 tháng 8, chiến sự ở Bắc Triều Tiên chấm dứt. Hạm đội Thái Bình Dương tiếp quản đầu hàng ở cảng Wonsan vào ngày 21 tháng 8, còn Sư đoàn 393 tiếp quản Hamnhüng ngày 24 tháng 8. Cũng trong ngày 24 tháng 8, phân đội đổ bộ đường không thứ tư của Quân đội Liên Xô đã đổ bộ tiếp quản Bình Nhưỡng. Cùng thời gian trên, Quân đội Hoa Kỳ đổ bộ lên cảng Pusan và tiến đến vĩ tuyến 38, giải giáp tàn quân của Phương diện quân 17 Nhật Bản ở miền Nam Triều Tiên.

Hướng Đông Bắc Mãn Châu

Mặc dù là hướng tấn công thứ yếu, nhưng Phương diện quân Viễn Đông 2 phải chiến đấu trên địa hình phức tạp: vừa có sông, địa hình lầy lội lẫn núi cao (dãy Tiểu Hưng An), các trận đánh ở đây lại là những trận khó khăn nhất trong cả chiến dịch.[105]

Cuộc tấn công Giai Mộc Tư

Ở chính diện chính của Phương diện quân dọc theo Leninskoye - Khabarovsk, các đội tiền phái của Tập đoàn quân 15 mở đầu cuộc tấn công lúc 1:00 ngày 9 tháng 8. Được sự hỗ trợ của Giang đội Amur, các đội chiếm được hầu hết các đảo trên sông Amur và thâm nhập bờ Nam - đoạn giữa 2 cửa sông Tùng Hoa và Ô Tô Lý - chiếm bàn đạp vượt sông. Ngày hôm sau, chủ lực Tập đoàn quân 15 vượt sông giữa lúc mưa to, vừa chiến đấu mở rộng đầu cầu phía Nam vừa làm đường để đưa xe tăng vào trận. Trước tối ngày 10 tháng 8, một trung đoàn của Sư đoàn 34 chiếm xong La Bắc, chờ Lữ đoàn Xe tăng 203 qua sông xong vào hôm sau thì cả sư đoàn hành tiến cô lập cụm đề kháng Hưng Sơn Trấn. Để lại một đơn vị công phá cụm đề kháng, Sư đoàn 34 tiến quân về Giai Mộc Tư[106].

Trong cùng thời gian, các Sư đoàn 361 và 288 cũng vượt sông thành công, chiếm Đồng Giang, Nhai Tân Khẩu[Ct 25]Phủ Viễn, sau đó tiến quân theo Lữ đoàn Xe tăng 171 về Phú Cẩm. Tại Phú Cẩm, mũi tiến quân phối hợp với 1 tiểu đoàn đã được Giang đội Amur đổ bộ lên trước đó chiếm thành phố, bao vây các cụm đề kháng ở ngoại ô. Để lại một đơn vị công phá các cụm đề kháng, cả hai sư đoàn hành quân theo sau xe tăng về Giai Mộc Tư.

Tuy nhiên, cả hai cánh quân từ Hưng Sơn Trấn và Phú Cẩm đều bị Sư đoàn 134 Nhật Bản chặn trên đường tiến. Bế tắc chỉ được tháo gỡ vào ngày 13 tháng 10, sau khi Giang đội Amur đổ bộ thành công 2 trung đoàn xuống thôn Tô Tô[Ct 26] đe doạ vu hồi các vị trí phòng thủ khiến Sư đoàn 134 Nhật Bản phải co về Giai Mộc Tư[107]. Ngày 16 tháng 8, Trung đoàn 632 được Giang đội Amur đổ bộ xuống Giai Mộc Tư, phối hợp trong đánh ra, ngoài đánh vào buộc Lữ đoàn Mãn Châu Quốc số 7 đầu hàng, còn Sư đoàn 134 Nhật Bản rút tiếp về Phương Chính. Chiếm xong thành phố, Tập đoàn quân 15 chuyển Trung đoàn 632 lên tàu của Giang đội Amur rồi cùng tiến quân dọc bờ sông Tùng Hoa. Sau khi chiếm Y Lan vào ngày 19, Tập đoàn quân 15 tiếp tục hành tiến về Cáp Nhĩ Tân, đến ngày 21 tháng 8 thì hội quân với Tập đoàn quân Cờ Đỏ 1 của Phương diện quân Viễn Đông 1 tại đây[107].

Ở bên trái của Tập đoàn quân 15, sáng sớm ngày 9 tháng 8 Quân đoàn độc lập 5 vượt sông Ô Tô Lý tại Bikin và nhanh chóng đè bẹp các đơn vị nhỏ Nhật Bản và Mãn Châu Quốc chốt giữ cụm đề kháng Nhiêu Hà. Ngày 10 tháng 8, sau khi xe tăng được đưa hết qua sông, Quân đoàn 5 lấy Lữ đoàn Xe tăng 172 làm thê đội tiên phong hành quân về Bảo Thanh và chiếm thị trấn vào ngày 15 tháng 8. Đến ngày 19 tháng 8 thì Quân đoàn hội quân với Tập đoàn quân 35 tại Bột Lợi và kết thúc chiến dịch ở đây.[108]

Trận công kiên ở Hắc Hà

Ở bên phải của Tập đoàn quân 15, Tập đoàn quân Cờ Đỏ 2 tấn công trễ hơn các mũi khác 2 ngày. Sáng ngày 11 tháng 9, các đơn vị tiền phái của Tập đoàn quân vượt sông ở phía thượng lưu Blagoveshchensk dưới sự yểm hộ của pháo binh và chiếm bàn đạp bên sông Amur để các đơn vị chủ lực vượt sông sau đó[109]. Do thiếu phương tiện thuỷ, nên 2 ngày sau Tập đoàn quân Cờ Đỏ 2 mới đưa đủ quân qua sông để bắt đầu tấn công. Sáng ngày 13 tháng 8, Sư đoàn 3 theo sau Lữ đoàn Xe tăng 74 đột phá thành công tuyến phòng ngự Đông Bắc Tôn Ngô ở Yêu Truân và đến ngày 15 tháng 8 thì phối hợp với Sư đoàn 12 cô lập được Sư đoàn 123 Nhật Bản ở cụm đề kháng Tôn Ngô. Trong khi đó, Sư đoàn 396 và Sư đoàn Sơn cước 368 được Lữ đoàn Xe tăng 258 hỗ trợ cũng dồn được Lữ đoàn Hỗn hợp 135 Nhật Bản lùi về cụm Ái Huy. Trong khi giữ bộ binh vây đánh các cụm đề kháng, thì Tập đoàn quân đưa một cụm cơ động xây dựng xung quanh Lữ đoàn xe tăng 74 bứt phá về Bắc An Châu, một cụm khác xung quanh Lữ đoàn Xe tăng 258 tấn công về Nộn Thành.[110]

Các đơn vị Nhật Bản kháng cự kiên cường ở các cụm đề kháng và liên tục đột kích phá vây. Các đơn vị Liên Xô phải vừa giữ vòng vây, vừa dùng pháo lớn và máy bay bắn phá từng hoả điểm. Qua ngày 17, 18 tháng 8, nhiều cứ điểm bị tiêu diệt, các cứ điểm còn lại lần lượt ra hàng. Trong khi đó, vào ngày 20 tháng 8, các mũi cơ động của Tập đoàn quân Cờ Đỏ 2 chiếm xong Bắc An Châu và Nộn Thành. Lúc này Đạo quân Quan Đông đã đầu hàng nên các đơn vị của Phương diện quân hành tiến về Tề Tề Cáp NhĩCáp Nhĩ Tân tham gia tiếp quản.[110]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chiến_dịch_Mãn_Châu_(1945) http://www.chinadaily.com.cn/en/doc/2003-10/17/con... http://foreignpolicy.com/2013/05/30/the-bomb-didnt... http://ww2db.com/photo.php?source=all&color=all&li... http://usacac.army.mil/cac2/cgsc/carl/download/csi... http://kiuchi.jpn.org/vn/nobindex.htm //www.worldcat.org/issn/0195-3451 http://militera.lib.ru/h/shihsov_av/10.html http://militera.lib.ru/memo/other/akiyama_h/index.... http://rkka.ru/maps/tv25.gif http://www.sakhalin.ru/Region/WORLDWAR2/KotonMap.h...